TIỂU KHÔNG KIỂM SOÁT
BS Nguyễn Ngọc Hiền
Tiểu không kiểm soát, còn được gọi là Tiểu không tự chủ (Urinary incontinence -UI) là tình trạng không thể kiểm soát được quá trình đi tiểu. Người bệnh bị mất khả năng kiểm soát bàng quang chỉ cần có một vận động nhỏ như hắc hơi, ho… hoặc ngay khi muốn đi tiểu cũng không thể kềm giữ nước tiểu cho đến khi sẵn sàng đi tiểu và kết quả là sẽ tiểu són ra ngoài, thậm chí nhiều trường hợp cần phải mang tã.
Tiểu gấp (Urge Incontinence) – Tiểu không kiểm soát ướt là tình trạng nặng của bệnh Tiểu không kiểm soát, đòi hỏi sự can thiệp tích cực đôi khi có xâm lấn.
Triệu chứng thường gặp:
Tiểu không kiểm soát là một bệnh thường ảnh hưởng lên phụ nữ. Những phụ nữ sinh đẻ nhiều lần khiến cơ sàn chậu bị suy yếu, lực co thắt của các cơ vòng bàng quang và các cơ tầng sinh môn bị giảm, làm cho khả năng kiềm chế đi tiểu không còn được hoàn hảo. Ngoài ra, các bệnh lý rối loạn thần kinh tự chủ do đái tháo đường hay chấn thương tủy sống cũng có thể gây ra tiểu không kiểm soát, nhưng nhóm nguyên nhân này không nhiều. Người bệnh bị mất khả năng kiểm soát bàng quang và kết quả là sẽ tiểu nhiều lần, đôi khi tiểu són ra ngoài. Đối với trường hợp bệnh nhẹ, một lượng nhỏ nước tiểu đôi khi rỉ ra khi ho hoặc hắt hơi hoặc trên đường đi vào nhà vệ sinh, nặng hơn, nước tiểu rỉ ra hằng ngày và cần phải dùng tã. Đối với bệnh nặng, lượng nước tiểu chảy ra ngoài có thể thấm ướt hết vài miếng tã mỗi ngày. Tiểu không kiểm soát có thể làm hạn chế giao tiếp xã hội và các hoạt động hàng ngày.
Nguyên nhân:
Có ba dạng phổ biến nhất là: Tiểu không kiểm soát do tăng áp lực ổ bụng; Tiểu không kiểm soát cấp kỳ (Tiểu không kiểm soát ướt – Urge Incontinence) và Tiểu không kiểm soát khi bàng quang tràn đầy.
- Tiểu không kiểm soát do tăng áp lực ổ bụng có thể gây ra do mang thai, sinh đẻ hoặc lão hóa (già).
- Tiểu không kiểm soát ướt (Tiểu gấp - Tiểu không kiểm soát cấp kỳ - Urge Incontinence) xảy ra khi thực hiện một số hoạt động như ho, hắt hơi, nâng vật nặng, tập thể dục hoặc nước tiểu són ra ngay khi cần đi tiểu. Có nhiều nguyên nhân:
* Gia tăng quá mức tác động co bóp của cơ Bàng quang (detrusor).
* Cơ vòng Niệu đạo và / hoặc cơ Sàn chậu bị nhão, giảm trương lực.
- Tiểu không kiểm soát do Bàng quang tràn đầy: Nước tiểu rỉ ra, từng đợt hay liên tục khi bàng quang căng đầy nước tiểu nhưng BN không tiểu ra được. Thường gặp trong bệnh BQ giảm hoạt (Under Active Bladder) hoặc Bế tắt cổ bàng quang (U Tuyến Tiền Liệt, Hẹp Niệu đạo sau…) hoặc phối hợp cả hai.
Tùy theo cơ chế tổn thương mà có cách điều trị khác nhau.
Bệnh có thể gây ra bởi thuốc, caffeine, thức uống có cồn hoặc bệnh lão khoa. Nhiều vấn đề về bàng quang sẽ trở nên nặng hơn khi mãn kinh.
Sinh lý của sự đi tiểu bình thường:
Bàng quang khi đầy có hình cầu. Bàng quang nối tiếp với niệu đạo qua cổ bàng quang. Nó được lót bên trong bằng một lớp niệu mạc mềm, bên ngoài là 2 lớp cơ chéo nhau. Phần trên BQ (chóp BQ) gọi là detrusor, phần đáy BQ giới hạn giữa 2 miệng Niệu Quản và việng Niệu Đạo (cổ BQ) là Tam giác niệu. Các sợi cơ chéo choàng qua cổ bàng quang tạo nên một cơ vòng cổ bàng quang (cơ trơn). Tiếp nối với cổ bàng quang là niệu đạo. Bên dưới cơ vòng cổ bàng quang khoảng 3 cm là cơ vòng vân. Hai cơ vòng này phối hợp nhịp nhàng với cơ bàng quang tạo nên cơ chế đi tiểu bình thướng. Ở nam giới, cơ vòng vân nằm sát mõm tuyến tiền liệt. Ở nữ giới cơ vòng vân lẫn trong cơ sàn chậu, khó phân biệt.
Toàn bộ hệ thống bàng quang - cổ bàng quang - cơ vòng trơn - cơ vòng vân - niệu đạo được diều khiển bởi 2 hệ thần kinh: Thần kinh vận động (từ võ não) và cung phản xạ thần kinh qua trung tâm Budge ở tuỷ sống (S3-S4).
Khi bàng quang đầy nước tiểu (300-400 ml), áp lực bên trong bàng quang lên khoảng 60 cm nước. Áp lực này tác động vào thành bàng quang và cổ bàng quang tạo nên 2 luồng thần kinh: một qua tuỷ sống lên võ não và một qua cung phản xạ đến tuỷ sống. Nếu đã sẳn sàng đi tiểu, từ võ não sẽ có luồng thần kinh vận động điều khiển cơ vòng vân mở ra đồng thời cơ bàng quang co bóp để đẩy nước tiểu ra niệu đạo. Trong khi đó luồng thần kinh qua cung phản xạ từ trung tâm Budge sẽ kích thích cơ vòng trơn (ở cổ bàng quang) mở ra và niệu đạo co bóp theo một nhu động nhịp nhàng từ trong ra ngoài để đẩy nước tiểu ra thành vòi.
Nếu cơ chế đi tiểu bình thường bị rối loạn, sẽ xảy ra hiện tượng khi trong bàng quang bệnh nhân chỉ có một ít nước tiểu (vài chục ml) hệ thần kinh đã bị kích thích mót tiểu làm cho bệnh nhân lúc nào cũng có cảm giác muốn đi tiểu, sinh ra Tiểu không kiểm soát.
Bệnh thường ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới, có đến 60% số người mắc chứng tiểu không kiểm soát là nữ. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào. Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tiểu không kiểm soát, bao gồm:
- Giới tính: nữ dễ bị tiểu không kiểm soát do chịu đựng việc tăng áp lực ổ bụng, niệu đạo ngắn và cơ vòng vân mỏng, do các tình trạng mang thai, sinh đẻ, mãn kinh và cấu tạo giải phẫu ở nữ. Tuy nhiên, nam giới có triệu chứng đường tiểu dưới (LUTS) cũng có thể mắc bệnh.
- Tuổi tác: khi lớn tuổi, cơ bàng quang và niệu đạo yếu đi.
- Thừa cân: tình trạng này làm tăng áp lực lên cơ bàng quang và các cơ lân cận, làm chúng yếu đi và gây nước tiểu rỉ ra khi ho hoặc hắt hơi. Các bệnh lý khác: bệnh lý thần kinh hoặc tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ tiểu không kiểm soát.
Những thay đổi này làm giảm sức chứa bàng quang, cơ vòng bị yếu làm tăng tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chẩn đoán:
Bao gồm xem xét bệnh sử, chụp X-quang, xét nghiệm máu, nước tiểu và các xét nghiệm khác để kiểm tra bàng quang hoạt động như thế nào. Các xét nghiệm chuyên biệt về niệu động học như đo áp lực bàng quang, lưu lượng nước tiểu và lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi tiểu tiện.
Điều trị:
Vì có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tiểu không kiểm soát và cơ chế sinh bệnh phức tạp nên việc tìm hiểu kỹ các yếu tố về đời sống, sinh hoạt, tâm lý của bệnh nhân (với sự hợp tác tốt của bệnh nhân) có thể giúp bác sĩ chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân.
Có 4 phương pháp điều trị thường được áp dụng (riêng lẽ hoặc phối hợp):
Thuốc: Có thể sử dụng các thuốc làm giảm sự co bóp của detrusor hoặc thuốc có tác dụng trung hoà các chất trung gian thần kinh nhằm ngăn chặn các luồng thần kinh có tác dụng trên cơ bàng quang như thuốc Anti Muscarinic (Thuốc thế hệ 1: Oxybutinine; Thuốc thế hệ 2: Trospium, Tolterodine; Thuốc thế hệ 3: Darifenacin, Solefenacin) hoặc thuốc Ức chế Beta 3 Adrenergic như Mirabegron… Những thuốc này có tác dụng làm giảm sự co bóp của bàng quang, tăng dung tích BQ nên giúp giảm số lần đi tiểu trong ngày. Tuy nhiên thuốc có một số tác dụng phụ gây khó chịu như khô miệng, khó ngủ, đôi khi chóng mặt, buồn nôn, tức vùng bàng quang… nên cần được phối hợp với các loại thuốc làm êm dịu thần kinh. Ngoài ra cần điều trị lâu dài mới có kết quả. Dầu vậy, có khoảng 20-30% không có đáp ứng điều trị hoặc không dung nạp được thuốc. Trong các trường hợp này phải chuyển sang phương pháp điều trị khác.
Thuốc chỉ có tác dụng đối với các trường họp OAB nhẹ và trung bình; không điều trị được các trường hợp Tiểu không kiểm soát ướt (Urge Incontinence) và Són tiểu đo BQ tràn đầy (Under Active Blader – UAB).
Lý liệu pháp: Thiết lập lịch đi tiểu, uống nước đúng giờ / 24 giờ. Thực hành bài tập Kegel (là phương pháp rất có hiệu quả, không xâm lấn và không có phản ứng không mong muốn).
Bài tập này được thực hành đơn độc hoặc phối hợp với thuốc có thể mang lại kết quả tốt.
Nên khuyên bệnh nhân không uống cafe, rượu, thuốc lá và tiết thực giảm cân.
Kích thích thần kinh: Trong trường hợp phối hợp 2 phương pháp trên thất bại, có thể áp dụng thêm phương pháp kích thích các thần kinh ngoại biên vùng tầng sinh môn, âm đạo, trực tràng, thần kinh chày sau… bằng các xung thần kinh thích hợp để chữa chứng BQ tăng hoạt, BQ giảm hoạt.
Phẫu thuật: Là phương pháp hiệu quả nhất điều trị chứng tiểu không kiểm soát ướt (Urge Incontinence). Đây là phương pháp mang lại kết quả cao, tuy nhiên tùy theo tổn thương gây bệnh mà người ta chọn phương pháp phẫu thuật cho phù hợp, do đó phải nghiên cứu kỹ từng trường hợp để tìm ra đúng loại bệnh, sử dụng đúng phẫu thuật cần thiết. Nếu chọn sai phương pháp, phẫu thuật không những không mang lại kết quả mà còn làm tình trạng bệnh nặng thêm.
Tham khảo:
1- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/overactive-bladder/symptoms-causes/syc-20355715
2- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3651538/
3- https://www.urologyhealth.org/urology-a-z/o/overactive-bladder-(oab)
4- https://en.wikipedia.org/wiki/Overactive_bladder?wprov=sfti1
5- https://www.urineincontinence.com.au/other/underactive-bladder
6- https://en.wikipedia.org/wiki/Underactive_bladder?wprov=sfti1
7- https://www.webmd.com/urinary-incontinence-oab/urge#1
8- https://www.healthline.com/health/urge-incontinence
9- Lower Urinary Tract Symptoms in Women | Doctor. patient.info.