? Tư vấn sức khỏe - Hội hành nghề Y tế tư nhân
Buu Dien DakLak Buu Dien DakLak
THÔNG BÁO


HyperLink


Y TẾ TƯ NHÂN TPHCM
Tổng Hội Y Học
Tổng Hội Y Học
Tổng Hội Y Học
Tổng Hội Y Học
Y Tế Cộng Đồng
Tin tức & Sự kiện
11/19/2021 8:35:48 AM
NGẬM NGÙI

N hân ngày 20/11, xin chuyển đến các bạn một tuỳ bút viết về Thầy, GS Lưu Chí Kiên, nguyên Hiệu Trưởng trường TH Trần Quý Cáp, Hội An.

 

 NGẬM NGÙI

(để tưởng nhớ Thầy Lưu Chí Kiên)
Nguyễn Lưu
CHS TQC niên khóa 1962-1968
 
Đời người chỉ là một giấc mơ ngắn ngủi. Thời gian thấm thoát trôi đi, chỉ còn lưu lại những kỷ niệm. Phố cổ Hội An với những ngày thơ ấu mơ màng, êm ái, thường trở về trong những giấc mơ để an ủi, vỗ về những trái tim đã mỏi mệt đường trần. Sự hồi tưởng về những biến động của những ngày mới lớn hay đem lại những nụ cười bao dung cho một thời trẻ dại. Nhưng sự hoài niệm về những người đã khuất luôn gợi lên những nỗi ngậm ngùi, thương tiếc không nguôi. Cậu tôi, Lưu Chí Kiên, tử nạn máy bay khi tuổi đời chưa tới bốn mươi, ra đi thân xác chẳng vẹn toàn, để lại vợ trẻ, con thơ, sự bàng hoàng thảng thốt cho thân bằng, quyến thuộc và một niềm luyến tiếc sâu xa cho những người học trò tài hoa thầm mong có ngày nối gót…
Cậu tôi là con trai trưởng trong một gia đình trung lưu. Ba cậu là một người công chức; má cậu là một người nội trợ rất khéo léo. Cậu là em chú bác của má tôi. Nhà cậu ở cạnh chùa Ông; nhà tôi ở gần cây đa chợ Hội An. Từ nhà cậu đến nhà tôi đi bộ khoảng năm phút. Sinh thời cậu thường ghé qua nhà tôi chơi. Sau khi trao đổi vài câu với ba má tôi ở phần trước của cửa tiệm, cậu bước vào nhà trong, nơi chúng tôi đang học tập hay làm việc, để chuyện trò với chúng tôi.  Nói là trò chuyện nhưng thật ra chỉ có một mình chị tôi có ý kiến, còn lại anh em chúng tôi, vì tuổi tác quá cách xa với cậu, chỉ im lặng nghe cậu nói. Tôi còn nhớ sau ngày tôi thi đậu Đệ Thất, má tôi cho tôi đi uốn tóc để chuẩn bị mặc áo dài làm người lớn; cậu lên chơi thấy tôi có đầu tóc mới, vội nói : « Thế là tối nay con phải ngủ ngồi! » Tôi mỉm cười thầm nghĩ người có tinh thần toán học luôn tìm ra giải pháp cho những vấn đề. Những cuộc viếng thăm đó tuy ngắn ngủi nhưng là một nguồn an ủi cho gia đình tôi vì anh cả của chúng tôi đi học phương xa. Chúng tôi khâm phục trí thông minh và yêu mến sự bình dị của cậu, tuy « khác người » nhưng vẫn luôn luôn hòa nhã với mọi người.
Cậu tôi lúc đó đã ngoài ba mươi mà vẫn còn độc thân. Những người trong tộc Lưu bắt đầu lo lắng, e rằng vì cậu quá khô khan rồi không thể tìm ra được người « nâng khăn sửa túi ». Cậu tôi không đẹp trai, nhưng bề ngoài luôn luôn tươm tất, chỉnh tề; ngôn từ thì ngắn gọn, rõ ràng như những con số hay những định luật toán học. Thuở đó cậu thích nhạc phẩm « Những bước chân âm thầm » của Y Vân phổ thơ Kim Tuấn. Chúng tôi thì thầm với nhau: « Sở dĩ cậu Kiên thích bài nầy vì có câu: ‘Anh yêu tình nở muộn’! » Cho đến một ngày kia cậu tâm sự với chúng tôi là cậu quen biết với một người con gái có bàn tay đẹp. Cậu chụp hình bàn tay ấy với những đóa hoa, sau đó ra tiệm sang hai tấm hình, mỗi người giữ một tấm, rồi cậu về nhà xé bỏ tấm phim. Lời tâm sự có vẻ buồn cười vì chứa đầy những con số : 2, 1,1 và một đặc tính muôn đời của tình yêu giống như những yếu tố bất biến trong toán học : những người yêu nhau luôn luôn thần thánh hóa những điều riêng tư, cho dù nhỏ nhặt, trong cuộc tình của họ! Nhưng bắt đầu từ ngày ấy tôi hiểu rằng dưới bề ngoài nghiêm trang của một nhà mô phạm, nơi cậu tôi vẫn còn có chỗ cho sự lãng mạn, mơ màng. Thật vậy, cậu tôi rất yêu thích âm nhạc. Nhà cậu có đầy những đĩa nhạc 33 vòng, 45 vòng mà cậu mua từ Đà Nẵng hay từ Sài Gòn trong những lần đi họp tại Bộ Giáo Dục và là nơi mà các giáo sư hay tụ tập để nghe nhạc sau giờ làm việc. Đôi khi cậu nói với chúng tôi về các thầy, ngạc nhiên khi nghe cậu nhắc đến họ với giọng khôi hài, thân ái như anh em trong gia đình; cũng như có khi tôi nghe cậu nói về những người học trò xuất sắc của mình như Phan Phải, Lê văn Nguyên, Nguyễn Ngọc Hiền …với giọng cảm động. Lòng ưu ái của cậu tôi đối với những người đồng nghiệp và các học trò của mình khiến tôi xúc động. Cậu tôi đâu phải là người lạnh lùng, sắt đá! Về phần tôi, những ngày nghỉ học tôi hay xuống nhà cậu để nghe nhạc. Thỉnh thoảng cậu nhắc đến những bản « Dạ khúc» của Chopin nhưng tôi không quan tâm vì dạo đó đời tôi vừa mới chớm, chẳng vội gì mà phải nghĩ đến sự tàn phai của một ngày! Dạo đó tôi chỉ thích Dalida, Connie Francis, Paul Anka, Tino Rossi … Rồi chuyện tình của cậu tôi với người có bàn tay đẹp không thành; sau đó cậu quen biết với một vài người đẹp trong thành phố để rồi cuối cùng quyết định « sang ngang » trong vòng tay học trò.
Tôi được tin cậu tôi từ trần vào một buổi trưa tại Sài Gòn. Anh tôi đi làm về báo tin : « Em có biết trong số những nạn nhân của chuyến bay có cậu Kiên của mình không? » Tôi bàng hoàng, câm lặng. Tối đến khi nghe đài phát thanh đọc tên cậu, tôi không khóc. Một tin dữ đã biết trước, tâm tư đã được chuẩn bị, chỉ còn chờ một sự xác nhận chính thức. Tôi chỉ cảm thấy mình như một hòn sỏi nhỏ, lặng lẽ rơi xuống đáy hồ; nó nằm đó bất động, quạnh quẽ, đìu hiu. Tai biến đến quá đột ngột, quá nặng nề khiến tôi bỗng dưng thấy mình lạc vào một cõi tối tăm, mờ mịt không lối thoát. Từ đó mỗi khi có ai nhắc đến cậu tôi, tôi chỉ im lặng. Cũng như Nguyễn Du đã có lần « giải thích » về thân phận của Thúy Kiều : « Chữ tài liền với chữ tai một vần », nhiều người trong tộc Lưu cho rằng vì cậu tôi thăng quan tiến chức nhanh quá nên đời vắn số. Nhưng tôi thầm nghĩ vậy mà tại sao chung quanh tôi có biết bao nhiêu người tài hoa, thành đạt mà vẫn vui sống đến ngày răng long đầu bạc? Đôi khi tôi gặp những người học trò cũ nhắc đến cậu tôi, trong sự im lặng tôi hiểu được sự mến phục và thương tiếc của họ bởi vì chính tôi, tôi cũng là học trò của cậu.
Một lần tôi về Hội An đi thăm mộ tộc Lưu, má tôi dắt tôi đến thăm mộ cậu. Trong sự bùi ngùi, vắng vẻ của nghĩa trang, giọng nói của má tôi trở nên nghẹn ngào, tức tưởi; tôi cúi đầu trầm ngâm, tôi không nhìn bia mộ mà chỉ nhìn xuống đất. Đâu có định lý toán học nào chứng minh cho sự phi lý của đời sống? Đối với tôi, cậu tôi không chết; cậu tôi vẫn còn đứng đó, nghiêm trang, chỉnh tề trên bục gỗ, và đằng sau lưng, trên tấm bảng đen, những đường thẳng rất thẳng, những vòng tròn rất tròn, những hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác xinh xắn; rồi trong không gian vang lên những lời giảng mạch lạc, chính xác ca ngợi sự minh triết của toán học. Lần cuối cùng tôi gặp cậu tôi trên balcon tại nhà ba má tôi tại Sài Gòn. Nhân một chuyến đi họp tại bộ Giáo Dục, cậu đến thăm tôi với mấy cuốn sách khoa học mới in trong tay, tôi mỉm cười, luống cuống cảm ơn. Trong sự trong sáng, tĩnh mịch của buổi sáng, tôi cảm nhận một niềm vui thánh thiện của tình cậu cháu, tình thầy trò, lòng yêu mến khoa học không phôi phai và niềm ưu ái, khích lệ dành cho những người đi sau nơi cậu tôi. Marcel Proust trong tác phẩm  « Đi tìm thời gian đã mất » cho rằng đời sống trôi chảy không ngừng, một cuộc đời chấm dứt thì sẽ có một hay nhiều cuộc đời khác tiếp nối con đường. Thật vậy, những người học trò xuất sắc của cậu tôi đã từ lâu tiếp tục con đường dở dang mà cậu tôi đã để lại. Proust nghĩ sự chết không phải là vô ích bởi vì nó vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nơi ta. Chết không phải là hết vì đôi khi, qua con đường tâm linh, người chết lay chuyển ta mạnh mẽ hơn những người còn sống. Nhờ sự suy ngẫm về sự chết mà ta mới hiểu được đời sống của những người quá vãng, mới khám phá ra nơi họ những điều đáng quý mà ta không nhận ra lúc họ còn sinh thời. Cậu tôi như một ánh sao băng, bừng sáng dưới vòm trời của trí tuệ, bỗng dưng tắt lịm, biến mất trước sự luyến tiếc của mọi người, nhưng ánh sao đó sẽ không bao giờ lịm tắt trong tôi. Đôi khi tôi tự hỏi ở bên kia thế giới cậu tôi đã tìm ra lời giải đáp cho bài toán số mệnh của mình? Đời đang lên mà tan nát bất ngờ! Có bao giờ cậu tôi tự hỏi sao hoàng hôn của đời mình đã đến quá sớm? Bên này thế giới những bản « Dạ khúc » của Chopin vẫn tiếp tục vang lên, duyên dáng, trữ tình ca ngợi sự trầm buồn êm ái của hoàng hôn đồng thời luyến tiếc, ngậm ngùi cho sự phai tàn của một ngày, để rồi cuối cùng quyện vào sự bí mật của màn đêm…
Phố Hội khóc than cho sự bạc mệnh của cậu tôi cũng như đã bao nhiêu lần nó cúi đầu tưởng niệm những người học trò Trần Quý Cáp đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến. Áo trắng sân trường vướng bụi thao trường rồi đẫm máu chiến tranh. Dương Minh Tùng, Lê Viết Chước, Trương Duy Lực, Khưu Vĩ Hoàn và nhiều người nữa mà tôi không biết tên… Đời họ cũng như đời cậu tôi sao quá ngắn mà đời tôi sao quá dài! Nhưng rồi một ngày kia sẽ đến phiên tôi thay đổi xiêm y để trở về với lòng đất, nằm nghe cuộc đời chộn rộn trên kia. Rồi trong thế giới mới lạ đó, tôi sẽ gặp lại bạn bè và những người thân để cùng nhau « thượng chùa Cầu, hạ Ông Bổn», cùng nhau hàn huyên tâm sự về thành phố cổ.  Hội An những ngày cận Tết, chợ búa, hoa lá, thực phẩm đầy đường; rồi hoa mai vàng, xác pháo đỏ, kẹo mứt, bánh tét, bánh tổ, quần aó mới đem lại niềm hân hoan cho những ngày đầu năm. Hội An trời tháng năm, tháng sáu nắng cháy da, đi trên nắng, dưới nắng! Rồi những cơn bão lụt tháng chín tháng mười, nước lũ tràn ngập nhiều con đường trong thành phố mang lại nhiều niềm vui cho những ngày thơ dại. Hội An mùa đông, mưa lạnh triền miên, co ro ướt át; biển động, trên mâm cơm chỉ có dưa món và trứng chiên! Và còn bao nhiêu thứ nữa... Rồi một ngày nắng lên ta sẽ cùng nhau về thăm lại mái trường xưa, để cùng sống lại « Giấc mơ Trần Quý Cáp », để tìm lại thiên đàng đã mất...
Nguyễn Lưu
(CHS TQC niên khóa 62-68)





COPYRIGHT@T? V?N S?C KH?E - H?I HàNH NGH? Y T? T? NH?N - KHáNH HòA 

rolex replica watches rolex cellini replica watches rolex day date replica rolex submariner replica omega replica watches panerai replica watches replica watches